Tiền phụ cấp điện thoại, xăng xe có phải trích đóng bảo hiểm xã hội?

Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, mức đóng bảo hiểm bắt buộc gồm mức lương ghi trong hợp đồng, phụ cấp lương và các khoản bổ sung xác định.

Tiền phụ cấp điện thoại, xăng xe có phải trích đóng bảo hiểm xã hội? - 1

Kỹ sư công nghệ ở TPHCM thắc mắc về cách tính bảo hiểm bắt buộc tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 220 do BHXH TPHCM tổ chức.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vừa thông tin phản hồi những thắc mắc liên quan đến quy định mức đóng bảo hiểm bắt buộc, cách tính bảo hiểm những hợp đồng xác định, không xác định thời gian.

Đại diện cơ quan bảo hiểm đã trả lời câu hỏi của một kỹ sư lập trình máy vi tính ở TP Thủ Đức về trường hợp nhân viên ký hợp đồng nhận 40% lương căn bản và 60% phụ cấp nhưng không chia tách chi tiết từng loại phụ cấp thì mức đóng bảo hiểm bắt buộc bao nhiêu?

Cụ thể, BHXH TPHCM thông tin, người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức tiền lương đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNNN) là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Mức đóng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường. Luật cũng quy định mức đóng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

Như vậy, trường hợp này, doanh nghiệp phải đóng BHXH bao gồm tiền lương + phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động.

Một vấn đề khác nhận nhiều quan tâm tại hội nghị là trường hợp nhân viên ký hợp đồng với mức đóng lương gộp không gồm phụ cấp điện thoại, xăng, ngoại ngữ, chuyên cần, phụ cấp đi lại... thì mức đóng bảo hiểm bắt buộc gồm những khoản nào?

Theo BHXH, quy định đối với người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì lấy tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Tiền lương gồm mức lương ghi trong hợp đồng lao động, phụ cấp lương (gồm phụ cấp chức vụ, chức danh, trách nhiệm, độc hại...), các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Các khoản không tính làm căn cứ đóng BHXH gồm các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca.

Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

-------------------------------

Theo dantri.com.vn

Chia sẻ: