Công ty nợ BHXH, nhân viên có được giải quyết chế độ thai sản?

Khi công ty nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), các chế độ của người lao động sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Lúc này, lao động nữ sinh con có được giải quyết chế độ thai sản không?

Người lao động có được hưởng thai sản khi công ty nợ bảo hiểm?

Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Nếu thuộc trường hợp mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền:

  • Tổng thời gian đã đóng BHXH phải từ đủ 12 tháng trở lên
  • Có từ đủ 03 tháng đóng BHXH trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

- Nếu mang thai và sinh con thông thường: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Cơ quan BHXH chỉ nhận giải quyết chế độ thai sản cho người lao động thuộc một trong 02 trường hợp trên.

Trong trường hợp công ty mà người lao động đang làm việc nợ tiền đóng BHXH hằng tháng thì quyền lợi về chế độ thai sản vẫn có khả năng được giải quyết bởi khoản 1.2 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về việc xử lý khi công ty nợ tiền đóng BHXH như sau:

1.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Theo quy định này, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH thì công ty đang nợ đóng BHXH phải đóng bù tiền bảo hiểm và tiền lãi chậm đóng cho cơ quan BHXH để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Còn nếu công ty không có khả năng để đóng đủ BHXH cho người lao động thì cơ quan BHXH chỉ xác nhận thời gian đóng BHXH của người lao động đến thời điểm công ty đã đóng bảo hiểm cho người đó.

Như vậy, người lao động vẫn được giải quyết chế độ thai sản nếu:

- Được công ty đóng bù tiền bảo hiểm để đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia BHXH xét hưởng chế độ thai sản.

- Không được công ty đóng bù tiền bảo hiểm nhưng thời gian nợ đóng bảo hiểm ngắn, trước đó đã tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để xét hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp doanh nghiệp đủ khả năng tài chính mà cố tình không đóng BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động thì người này có thể khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở chính để yêu cầu bồi thường quyền lợi (theo Điều 119 Luật BHXH năm 2014). 

cong ty no bao hiem co duoc huong thai san


Công ty nợ bảo hiểm, lao động nữ sinh con có được hưởng BHYT?

Theo khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH sửa đổi bổ sung Quyết định số 595/QĐ-BHXH, khi công ty nợ tiền đóng BHXH, quyền lợi về bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động sẽ được giải quyết như sau:

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 17 chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, khoản 9 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế chỉ tương ứng với số tiền bảo hiểm y tế đã đóng.

Do đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng.

Lúc này khi đi sinh con, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHYT. Tuy nhiên, thay vào đó, phía công ty sẽ phải hoàn trả toàn bộ chi phí trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế cho người lao động đối với số tiền viện phí mà người lao động đã phải chi trả theo điểm b khoản 3 Điều 49 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014.

Trường hợp công ty không chịu thanh toán tiền BHYT, theo khoản 2 Điều 48 Luật BHYT năm 2008, người lao động có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu giải quyết tranh chấp, đòi lại tiền bảo hiểm.

-------------------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: