Công ty có được thay đổi địa điểm làm việc của người lao động?

Đã có không ít mâu thuẫn liên quan đến địa điểm làm việc, thậm chí, có những lao động đã phải nghỉ việc vì doanh nghiệp thay đổi nơi làm việc của mình. Pháp luật có cho phép doanh nghiệp làm việc này?

1. Địa điểm làm việc được quy định như thế nào?

Theo Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, một trong những nội dung bắt buộc phải có của hợp đồng lao động đó là công việc và địa điểm làm việc.

Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, địa điểm làm việc được quy định như sau:

b) Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.

Như vậy các bên có quyền thỏa thuận về địa điểm làm việc, trường hợp do tính chất công việc phải làm ở nhiều địa điểm khác nhau thì các bên cũng cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động và ghi đầy đủ các địa chỉ đó.

Một khi đã ký hợp đồng lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trong đó có thỏa thuận về địa điểm làm việc. Nội dung này cũng được ghi nhận rõ tại Điều 28 Bộ luật Lao động như sau:

Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, nếu có thỏa thuận khác, các bên có thể thực hiện công việc tại địa điểm khác so với hợp đồng lao động. 

co duoc thay doi dia diem lam viec

2. Công ty có được tự ý thay đổi chỗ làm của nhân viên?

Theo Điều 28 Bộ luật Lao động năm 2019, địa điểm làm việc phải được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ có thỏa thuận khác. Nói cách khác, công ty không được tự ý thay đổi chỗ làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu công ty gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động với thời gian không quá 60 ngày làm việc cộng dồn/năm.

Đồng thời còn phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Trường hợp thay đổi công việc nói trên có thể dẫn đến việc thay đổi địa điểm làm việc để phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ của công ty.

Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn/năm thì bắt buộc phải có văn bản đồng ý của người lao động, chứ công ty không được tự ý điều chuyển công tác của người lao động.

3. Ép người lao động làm việc ở nơi khác, công ty có bị phạt không?

Như đã phân tích, người sử dụng lao động không được tự ý chuyển người lao động đến địa điểm làm việc khác so với hợp đồng lao động trừ trường hợp vì lý do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, sự cố điện, nước,…

Nếu cố tình sắp xếp cho người lao động đến làm tại địa điểm khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;

Như vậy, nếu tự ý bố trí cho người lao động làm ở địa điểm khác với nơi đã thỏa thuận thì người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 03 -07 triệu đồng, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với mức từ 06 - 14 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình, người lao động bị bố trí đến địa điểm làm việc khác với thỏa thuận thì có thể tố cáo hành vi vi phạm này của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đó đặt trụ sở chính.

Sau khi thanh tra lao động tiến hành xác minh nếu phát hiện là có vi phạm, phía công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

--------------------------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: